Xét xử Vụ án cầu Chương Dương

Sau hai năm, với ba phiên tòa xét xử cùng ít nhất ba cuộc điều tra chính thức và một phiên họp xem xét từ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, chuỗi sự kiện trên cầu Chương Dương vào buổi tối hôm đó vẫn còn mập mờ.[11]

Sơ thẩm

Ngày 12 tháng 5 năm 1994, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ấn định phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Tùng Dương, hơn 1.000 người tụ tập quanh trụ sở tòa án trên đường Hai Bà Trưng để theo dõi qua loa phóng thanh.[5][21][22] Nghị án từ ngày 12 tháng 5 đến ngày 14 tháng 5, hội đồng xét xử bao gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Phòng xử án bao gồm gia đình Tùng Dương, gia đình Việt Phương, các đồng nghiệp của Dương, đại diện phóng viên từ các tòa soạn báo, các công chức tòa án và cán bộ viện kiểm sát, các công dân được cấp phép giấy mời.[5][22] Phụ nữ Thủ đô cho rằng "chưa bao giờ trong lịch sử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xảy ra một phiên tòa quy mô như thế này".[22] Ngày 13 tháng 5, Phụ nữ Thủ đô xuất bản tâm thư của gia đình nạn nhân, nội dung chỉ trích gay gắt Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vì đã truy tố tội danh nhẹ hơn về hành vi giết người.[21]

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội muốn bị cáo Dương có thể bị phạt tù 20 năm với tội danh giết người nhẹ hơn. Ngày 14 tháng 5, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Minh Ngọc[23] quyết định trả lại hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội; yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ bối cảnh động cơ giết người của Nguyễn Tùng Dương do lời khai của các bên còn nhiều mâu thuẫn.[3][5][22] Phụ nữ Thủ đô hoan nghênh quan điểm chung rằng Tùng Dương thực sự phạm một tội giết người nào đó, khen ngợi công tác tổ chức chuyên nghiệp của phiên tòa, nhưng cảm thấy "đáng tiếc" khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục kéo dài sau 16 tháng nạn nhân tử vong. Đại Đoàn Kết hoan nghênh "không có quan điểm trái ngược" với nhận định Dương phạm tội giết người, nhưng cũng đặt ra thuyết âm mưu về phiên tòa xét xử với hồ sơ vụ án mập mờ.[3][22]

Vấn đề cơ bản không phải xét xử nặng hay nhẹ, mà là chúng ta không định danh được tội ác nào đã xảy ra và nó chưa được điều tra rõ ràng. Và do đó, khi các cơ quan tư pháp không thể chỉ ra động cơ gây án của công an Nguyễn Tùng Dương khi anh ta phạm tội giết người, thì đó là một món nợ mà cả xã hội có quyền đòi.

Xã luận trên Phụ nữ Thủ đô ngày 10 tháng 8 năm 1994, [24]

Trong thời gian Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội bổ sung hồ sơ vụ án, Phụ nữ Thủ đô và Đại Đoàn Kết tiếp tục gây áp lực khi xuất bản giám định pháp y của Viện Pháp y Quân đội và nêu ra nhiều sai phạm trong công tác điều tra ban đầu, nguyên nhân cho rằng kiểm sát viên chưa đưa vào phần tranh tụng của phiên tòa sơ thẩm. Ngày 28 tháng 5, Phó Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã phải đăng đàn giải trình trên Đại Đoàn Kết về lý do các thẩm phán phiên tòa quyết định trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại. Tháng 6 năm 1994, Phụ nữ Thủ đô đối chứng rằng Dương đã đi cùng nạn nhân đến bệnh viện và túi nhựa màu đen chứa 50 triệu đồng đã biến mất trong chuyến đi đó, trái ngược với lời khai của nghi phạm; đồng thời kêu gọi tòa án và kiểm sát viên cảnh cáo các nhân chứng của nghi phạm phải trả lời trung thực.[25] Tháng 8 năm 1994, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội một lần nữa tuyên bố không đủ chứng cứ rõ ràng để xác định bị can Dương có âm mưu cướp, do đó đã đẩy quyền quyết định trở lại cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.[25][24]

Tái thẩm

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quyết định tổ chức phiên họp tái thẩm hồ sơ vụ án, đây sự kiện làm xoay chuyển nội dung hồ sơ vụ án của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.[11][24] Ngày 15 tháng 9 năm 1994, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội ban hành cáo trạng số 636, quyết định truy tố Nguyễn Tùng Dương tội danh "giết người có tính chất côn đồ" theo Điểm G, Khoản 1, Điều 101 Bộ luật hình sự; không có tội danh cướp nhưng mức án có thể tử hình. Đại Đoàn Kết xuất bản bài viết "Phải có công lý cho người sống và công lý cho người chết", trong đó dẫn lời của một số luật gia nội địa về các chứng cứ có thể liên quan đến tội danh cướp và giết người.[24]

Phạm Tùng Dương phạm tội giết người nhằm chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Anh ta phạm tội có động cơ và mục đích rõ ràng, quyết tâm thực hiện đến cùng.

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Minh Ngọc nhận định ngày 21 tháng 10 năm 1994, [26]

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên xét xử tái thẩm, nghị án từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10, hơn 10.000 người tụ tập quanh trụ sở tòa án trên đường Hai Bà Trưng.[24][26] Tại phiên tranh tụng ngày 19 tháng 10, kiểm sát viên, luật sư của bị cáo, luật sư của bị hại phát biểu; trong khi bị cáo Dương bị chất vấn. Ngày 20 tháng 10, Dương khai nhận "cầm súng ngắn K59 trên tay" khi đạn phát nổ, và "đạn phát nổ một cách tình cờ"; Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phải triệu tập Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Quân đội Vũ Ngọc Thụ để chứng thực lời khai này tại tòa. Ngày 20 tháng 10 năm 1994, hội đồng xét xử tuyên phạt Nguyễn Tùng Dương về tội danh giết người "được thúc đẩy bởi các mục đích hèn hạ nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác".[26] Phán quyết tuyên xử bị cáo Nguyễn Tùng Dương nhận kết án tử hình, trong khi tội danh "cướp" không đủ chứng cứ.[5][7][14][26]

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án Nguyễn Tùng Dương trong điều kiện dư luận xã hội về vụ án rất phức tạp. Thực tế đó càng giúp Tòa án chấp hành pháp luật một cách nghiêm túc, nghiêm minh. Phán quyết của Tòa án không phải do áp lực dư luận; nhưng phải theo đúng pháp luật, đảm bảo kỷ cương và thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ công lý cho xã hội và công bằng cho mỗi công dân trước pháp luật.

Trích bản án số701/HS-TA ngày 21 tháng 10 năm 1994, [26][27]

Hàng vạn người theo dõi bên ngoài phòng xử án đã reo hò, Nguyễn Văn Lát và luật sư bảo vệ bị hại Hùng được người dân công kênh dọc theo một đoạn đường dài.[5] Im lặng trong suốt quá trình tố tụng vụ án, các tờ báo chính thống, báo công đoàn, báo địa phương của Hà Nội, cả một số tờ báo do Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp điều hành đã bắt đầu xuất bản thông tin về phán quyết.[27] An ninh Thủ đô do Công an thành phố Hà Nội chủ quản đã thực hiện xuất bản một loạt bài viết kéo dài từ 23 tháng 10 đến ngày 1 tháng 11 năm 1994, được viết bởi nhiều công dân khác nhau (một học sinh trung học phổ thông ở Hà Nội, một bà mẹ đại diện cho nhóm phụ nữ trong xóm, một bác sĩ tại Bệnh viện Thăng Long đại diện cho nhóm đồng nghiệp, một cán bộ hưu trí ở huyện Kim Liên, một nữ nghệ sĩ đại diện cho nhóm diễn viên tại Đoàn kịch Tuổi Trẻ, vợ một người lính) nhằm chỉ trích mức độ nghiêm trọng của bản án hoặc tội danh bị cáo đã nhận.[28] Trong thời gian chờ đợi phiên tòa phúc thẩm, Đại Đoàn Kết và Phụ nữ Thủ đô tiếp tục bảo vệ bản án, tố cáo đích danh họ tên những quan chức đã trì hoãn điều tra vụ án; trong khi An ninh Thủ đô và các tờ báo an ninh khác phẫn nộ trước bản án tái thẩm.[28][29]

Phúc thẩm

Tòa án nhân dân tối cao quyết định mở phiên xét xử phúc thẩm sau khi Nguyễn Tùng Dương kháng cáo, nghị án từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 12 năm 1994. Hàng nghìn người tụ tập quanh trụ sở để theo dõi quá trình tố tụng qua loa phóng thanh. Thời điểm ngày 13 tháng 12, một đám đông [lo ngại phiên tòa phúc thẩm sẽ làm suy yếu bản án] đã đụng độ với lực lượng cảnh sát bảo vệ tòa án, cảnh sát đã trấn áp vài nghìn người bằng dùi cuilá chắn mặc dù không rõ bên nào khiêu khích trước.[29] Ngày 15 tháng 12, Tòa án nhân dân tối cao quyết định phê chuẩn bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, lưu ý rằng vụ án đã gây ra "những hậu quả xấu về chính trị và xã hội".[29][30] Bản án được truyền thông báo chí nội địa đưa tin tới công chúng, trong đó bao gồm cả những tờ báo trước đây không dành sự quan tâm đến vụ án.[29]

Lực lượng cảnh sát quốc gia và cảnh sát Hà Nội giận dữ về cách đối xử với viên trung úy cũng như lực lượng của họ; nhánh hành pháp này đã không có khả năng kiểm soát kết quả vụ án, không thể dàn xếp hòa giải với nhánh tư pháp. Nhiều nỗ lực xoa dịu đã được tiến hành cẩn thận theo cách chính thức, báo chí nhanh chóng dừng đưa tin về vụ án. Ngày 24 tháng 12 trên Đại Đoàn Kết, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiêm chủ tọa phiên tòa Đỗ Cao Thắng nhận định "hiện tượng Nguyễn Tùng Dương chỉ là cá biệt, không thể làm lu mờ chiến công và sự hy sinh lớn lao của công an nhân dân Việt Nam trong gần 50 năm qua".[31] Tháng 1 và tháng 2 năm 1995, Dương lần lượt nộp "đơn xin ân giảm" đến Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Văn phòng Chủ tịch nước đã xin ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối caoViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.[31][32]

Thi hành án

Năm 1993, Trại giam số 1 Hà Nội chuyển trụ sở về xã Xuân Phương, đồng thời thành lập Trường bắn Cầu Ngà.[33] Ngày 27 tháng 2 năm 1995, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh ban hành Quyết định số 333/CTN chính thức bác đơn xin khoan hồng, thể theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối caoViện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng ngày, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Minh Ngọc ban hành quyết định thi hành bản án của tòa án phúc thẩm theo Bộ luật tố tụng hình sự và thành lập hội đồng thi hành án. Hội đồng thi hành án bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Cục trưởng Cục Thi hành án Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cùng đại diện một số cơ quan liên quan.[32]

Khoảng 3 giờ (UTC+07:00) ngày 5 tháng 3,[14][32] tù nhân Nguyễn Tùng Dương xin ăn phởhút thuốc lá trước khi bị áp giải đến Trường bắn Cầu Ngà.[7][33] Khoảng 4 giờ 30 phút (UTC+07:00) ngày 5 tháng 3, kỹ thuật viên hình sự lấy dấu vân tay của tù nhân ngay tại chỗ và đối chiếu với hồ sơ lưu trữ.[34] Nguyễn Tùng Dương đã được đọc trực tiếp quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lê Đức Anh và quyết định thi hành án của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Đặng Minh Ngọc. Sau đó, Dương ký vào biên bản tố tụng và gặp mặt gia đình lần cuối trước khi bị áp giải đến pháp trường.[32][34] Buổi thi hành án được chỉ huy bởi thượng tá Hồ Như Vọng, loạt đạn súng trường đầu tiên và sau đó kết thúc bằng súng lục, Hồ Như Vọng cho rằng bản án tử hình chịu sức ép từ công luận.[7] Bác sĩ pháp y tiến hành khám nghiệm tử thi của bị án, sau đó ký vào biên bản xác nhận.[35] Đại úy Lê Quy Long – công an làm việc tại Trường bắn Cầu Ngà – cho biết một số người dân đã lan truyền tin giả tù nhân bị đánh tráo trước khi thi hành án.[33] Ân xá Quốc tế coi sự kiện này là xác nhận chính thức đầu tiên về một bản án tử hình được thi hành tại Việt Nam kể từ năm 1985.[32][30]

Tất cả các tờ báo đưa tin tóm tắt buổi hành quyết ngắn gọn giống như một bản điện báo của chính phủ, nhưng phóng viên Bùi Công Lý của Hà Nội mới lại cung cấp một báo cáo chi tiết với những thuật ngữ mang ngụ ý ám chỉ sự hiện diện tại chính sự kiện này.[34] Đại Đoàn Kết xếp sự kiện vào danh sách "10 vụ án tai tiếng nhất năm 1994".[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vụ án cầu Chương Dương https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-an-cau-chuong-duon... https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-an-cau-chuong-duon... https://web.archive.org/web/20201128204221/https:/... https://nguoilambao.vn/xuat-phat-tu-1 https://web.archive.org/web/20230704224308/https:/... https://tuoitre.vn/truong-ban---ngay-ket-thuc---ky... https://www.nguoiduatin.vn/khi-xa-thu-doi-mat-nguo... https://danviet.vn/phap-y-quan-doi-can-vao-cuoc-77... http://daidoanket.vn/an-tinh-ngoi-nha-so-66-567863... https://congly.vn/moi-luong-duyen-giua-nha-bao-va-...